Những lựa chọn

lựa chọn của tôi từ đâu mà có?

Tôi vào một quán nước, nhìn và đọc kỹ từng món trên menu. Tôi cảm nhận được vị chua khi nhìn vào ly trà chanh, ngó sang chữ "cà phê đen" tôi lại thấy đăng đắng, bạc xỉu thì quá ngọt, nên tôi gọi cà phê sữa. Không có gì quá đặc biệt cho đến khi tôi tự hỏi lựa chọn đó từ đâu đến? Tất nhiên nó từ miệng tôi mà ra, miệng thì nhận tín hiệu từ não, não đưa ra kết luận từ những toan tính không quá vài giây. Có hai câu hỏi đặt ra:


Những toan tính đó được tạo ra dựa trên dữ liệu trong trí nhớ của tôi. Tôi đã nghĩ về vị chua của ly trà chanh do tôi từng nếm vị của nó trước đây, tương tự cho cà phê thì đắng, sữa thì ngọt…​

Mắt tôi đọc thấy chữ, nhìn thấy hình, vùng não xử lý ngôn ngữ và hình ảnh "sáng lên" phát ra tín hiệu và dắt theo những thông tin có liên quan ở vùng xử lý mùi vị. Đó là dữ liệu đầu vào cho một quá trình xử lý, nhưng kết quả của quá trình đó, một lựa chọn, từ đâu xuất hiện?

Những suy nghĩ trên có thể là nguyên liệu để hình thành nên một lựa chọn, chứ không phải thứ quyết định lựa chọn đó. Giống như cà phê, sữa, nước và nhiệt độ là nguyên liệu của ly cà phê sữa nhưng bột cà phê đã không đứng pha ra ly cà phê sữa đó.

Trước khi đọc chữ cà phê đen, đầu tôi không hề có vị đắng, cảm giác đắng (suy nghĩ về sự đắng) tự dưng xuất hiện ngay lúc tôi đọc và hiểu nghĩa của nó. Quá trình toan tính cũng tương tự, nó là tập hợp những suy nghĩ được hiện ra từ một nơi nào đó trong vô thức. Giống như bạn không thể chọn cái gì sẽ hiện ra trong đầu mình.

Một con voi màu hồng và một con chuột màu xanh lá đang bơi trong bồn tắm, chúng nó có đang hiện ra trong đầu bạn không? Có thể bạn chưa từng thấy chúng bao giờ nhưng bạn vẫn có thể tưởng tượng ra chúng. Có khi bạn còn đang nghĩ "thế quái nào tôi bỏ vừa một con voi vào bồn tắm cơ chứ?" và đang hình dung cảnh con voi đang cựa quậy trong một cái bồn tắm nhỏ xíu xiu.


Nói một cách khác, có thể xem suy nghĩ là một dạng phản xạ vô điều kiện. Như cách ta rút tay lại khi đụng phải vật nóng, nhảy thót lên khi giật mình. Chúng diễn ra lần lượt (do quá nhanh nên ta hay nghĩ là chúng diễn ra cùng lúc), tức thì và ngoài tầm kiểm soát của ta.

Ta không quyết định được mình sẽ nghĩ gì tiếp theo. Điển hình như hành động tập trung là khi bạn cố hết sức phớt lờ đi những suy nghĩ không liên quan tới việc cần hoàn tất. Đó là lí do hầu hết chúng ta cần một nơi yên tĩnh để tập trung, vì chúng ta không thể không nghĩ về một thứ gì đó.

Ta rất khó (có khi là không thể) ngăn mình chú ý đến tiếng còi xe, chuyện hai người bàn bên cạnh đang bàn tán, chương trình thời sự đang phát trên TV và đôi lúc là cả tiếng tíc tắc của đồng hồ. Ngay cả những thiền sư, bậc thầy trong việc giữ vững chánh niệm và sự tập trung cao độ cũng phải cần một nơi yên tĩnh, nhắm mắt lại để chặn bớt tín hiệu thị giác và cố tập trung vào hơi thở khi ngồi thiền.


Tôi ơi làm ơn bớt nghĩ lại để tôi còn tập trung nghĩ về chuyện quan trọng hơn…​


Nếu như lúc chọn nước, tự dưng có một suy nghĩ "hay là hôm nay mình thử uống đồ chua nhỉ?" loé lên trong đầu thì chắc tôi đã chọn trà chanh. Vì suy nghĩ hiện ra một cách ngẫu nhiên và tôi không quyết định được suy nghĩ gì sẽ hiện ra trong đầu mình vào khoảnh khắc tiếp theo. Do đó không có gì chắc chắn được lần tới tôi sẽ chọn cà phê sữa hay trà chanh hay một món nước nào đó bất kỳ.

Ta có thể phản biện ý kiến trên bằng cách đặt ra trường hợp thế này. Tôi đã dành cả năm cuối cấp để lựa chọn trường đại học. Một lựa chọn quan trọng như vậy cần bao nhiêu suy nghĩ, không thể nào lựa chọn đó chỉ hiện ra ngẫu nhiên trong đầu tôi được. Nói cách khác, những lựa chọn quan trọng thì phải khác việc chọn một ly nước chứ, đúng không?

Chưa hẳn, lựa chọn quan trọng thật ra là một tập hợp của những lựa chọn ít quan trọng hơn, ví dụ khi xé nhỏ việc chọn cho mình một trường đại học, ta sẽ thấy đằng sau nó là một loạt những câu hỏi nhỏ hơn. Trường đó có ngành tôi thích hay không? Điểm đầu vào có vừa sức tôi không? Việc đi học có thuận tiện với nơi tôi đang ở không? Học xong điều kiện việc làm thế nào? Hay đơn giản là tỉ lệ hết độc thân khi vào trường đó của tôi có cao hơn không?

Tiếp tục xé nhỏ các lựa chọn đó ra ta sẽ thấy kết quả của việc toan tính đều hiện ra trong đầu tôi (một cách bất kỳ, ngẫu nhiên) từ những lựa chọn nhỏ hơn và gần như y hệt việc chọn một món nước trong menu.


Thế thì cuối cùng cái quái gì quyết định lựa chọn của tôi đây? Chẳng lẽ tôi chả có quyền gì trong việc điều hướng cuộc đời của mình và chỉ có thể làm theo bất kỳ lựa chọn gì nảy ra trong đầu?

Thế thì một tên tội phạm có phải chịu hình phạt không khi hành động của hắn xuất phát từ những lựa chọn xuất hiện ngoài tầm kiểm soát của hắn?

Đây là một góc nhìn mới lạ, tôi chỉ đang mô tả nó theo cách tôi hiểu. Bản thân tôi thấy nó cũng còn vài điểm rắc rối trong logic, hoặc vì tôi còn chưa hiểu đúng về nó. Bài viết này được lấy cảm hứng từ quyển Free Will của Sam Harris.

Nhưng nhìn ở góc độ nào thì vũ trụ vẫn vận hành như cách nó luôn vận hành suốt 14 tỷ năm qua. Chúng ta chỉ là một đám vật chất nhỏ xíu, đủ phức tạp để có thể không ngừng tò mò.

Ngày 15 tháng 8, 2023

#thoughts

Tìm kiếm